Nội dung chính

Bitcoin là gì? Kiến thức cơ bản về BTC dành cho người mới

Chắc chắn rằng bạn đã từng nghe về “Bitcoin”. Gần đây, Bitcoin đã trở thành đề tài nóng bỏng, được các phương tiện truyền thông truyền tải liên tục mỗi khi giá của nó “phá đỉnh”. Nhưng liệu bạn có từng tự hỏi, Bitcoin là gì? Và tại sao nó lại có giá trị lớn đến vậy không?

Nếu câu hỏi đó từng xuất hiện trong đầu bạn, thì bài viết này sẽ giải đáp! Tại DauTuCC.com, chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá thế giới của thị trường tiền điện tử. Nơi giúp bạn hiểu rõ về những kiến thức căn bản nhất, với Bitcoin (BTC) là điểm khởi đầu.

Bitcoin là gì?

Bitcoin, ngọn lửa khởi đầu của cuộc cách mạng tiền điện tử, đã chính thức ra đời vào năm 2009. Nó được tạo ra bởi một nhân vật bí ẩn, tự xưng là Satoshi Nakamoto.

Bitcoin không chỉ là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới mà còn là biểu tượng của công nghệ Blockchain – một cơ sở dữ liệu phân tán không thể sửa đổi.

Bitcoin đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường tiền crypto.

Với cách thức hoạt động dựa trên mạng ngang hàng (peer-to-peer). Bitcoin cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần sự can thiệp của bất kỳ bên trung gian nào.

Điều này giúp loại bỏ các khoản phí đáng kể và giảm thiểu chi phí giao dịch so với hệ thống chuyển tiền truyền thống.

Với số lượng Bitcoin có giới hạn, chính sách cung cấp cứng đã được xây dựng từ đầu.

Tổng cung là 21 triệu đồng BTC. Và không có ai có thể thay đổi con số này, kể cả chính Satoshi Nakamoto.

Hiện tại, đã có khoảng 19.6 triệu BTC được khai thác, chỉ còn lại khoảng 1 triệu BTC chưa được đào.

Bitcoin không chỉ có đơn vị lớn nhất là Bitcoin (BTC), Mà nó còn có đơn vị nhỏ hơn là Satoshi (hay sts), được đặt theo tên của nhà sáng lập.

Với tỷ lệ 1 BTC = 100,000,000 Satoshi. 1 Satoshi tương đương với 0.00000001 BTC.

Giúp mở ra một hệ thống đơn vị linh hoạt cho việc giao dịch và sử dụng.

Tại sao Bitcoin được tạo ra và có giá trị?

Theo thông tin mới nhất từ Coingecko, giá của Bitcoin (BTC) đã lên tới mức kỷ lục là 73,737 USD/BTC vào ngày 14/3/2024.

Tuy nhiên, điều này không phản ánh giá trị thực sự của BTC. Mà chỉ là kết quả của sự tương tác giữa cung và cầu trên thị trường.

Vậy thì điều gì làm nên giá trị của Bitcoin?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng điểm qua một số ứng dụng của Bitcoin dưới đây:

Bitcoin là phương tiện thanh toán

Bitcoin ra đời với mục đích trở thành một phương tiện thanh toán ngang hàng. Mặc dù ban đầu, Bitcoin chỉ là một loại tài sản không có giá trị định sẵn.

Nhưng sau hơn 10 năm tồn tại, nó đã trở thành một phương tiện thanh toán được nhiều tổ chức chấp nhận.

Ví dụ, Tesla đã từng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cho việc mua xe hơi. Hay việc El Salvador đã công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp trong đất nước của họ.

Bitcoin lưu trữ giá trị

Bởi tính hữu hạn và độ khó trong quá trình khai thác, Bitcoin được xem như là “Vàng kĩ thuật số“.

Điều này đã khiến BTC trở thành một lựa chọn phổ biến.

Nhiều tổ chức tài chính lớn và các nhà đầu tư cá nhân, sử dụng nó như một phương tiện lưu trữ giá trị dài hạn.

Vay & thế chấp Bitcoin

Ngoài việc sử dụng làm phương tiện thanh toán.

Bitcoin cũng đã được nhiều tổ chức chấp nhận làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Lý do Bitcoin được chấp nhận làm tài sản thế chấp là do nó có vốn hóa cao nhất và được sử dụng phổ biến nhất trong số các loại tiền điện tử.

Giá trị thực của Bitcoin

Tuy nhiên, DauTuCC.com cho rằng những ứng dụng trên không phải là lý do chính giúp BTC có vốn hóa hàng đầu trên thị trường. Hầu hết các ứng dụng này thường không đạt hiệu suất cao.

Ví dụ, khi xét về tính ứng dụng. Bitcoin vẫn thua Ethereum trong thị trường tài chính phi tập trung (DeFi). 

Xét về nhu cầu thanh toán, các ngân hàng lớn vẫn ưu tiên sử dụng đồng tiền pháp định (fiat) do tính tiện lợi và sự chấp nhận rộng rãi.

Bitcoin là loại tài sản có độ biến động về giá trị cao. Điều này tạo ra mức độ rủi ro lớn. Vậy thì giá trị lớn nhất của Bitcoin là gì? Theo DauTuCC.com, giá trị lớn nhất của Bitcoin nằm ở tính phi tập trung.

Đây là loại tài sản không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc chính phủ nào. Nó không bị ngừng giao dịch hoặc loại bỏ do quyết định hay luật lệ của một quốc gia.

Ví dụ, dù Trung Quốc từng cấm Bitcoin và hoạt động đào Bitcoin. nhưng blockchain của Bitcoin vẫn tồn tại và phát triển.

Đối với nhà đầu tư thì các tài sản hữu hạn như Bitcoin, Vàng và bất động sản mới thực sự là các tài sản an toàn.

Trong khi đồng tiền pháp định thường bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Vì vậy, Bitcoin trở thành một kênh đầu tư/một nơi trú ẩn cho sự lạm phát của tiền tệ.

Mặc dù Bitcoin không có thể cầm nắm như Vàng hoặc có sổ chứng nhận như bất động sản. Nhưng điều này cũng là một lợi thế, vì Bitcoin không thể bị làm giả như Vàng và không bị kiểm soát như bất động sản.

Ngược lại, Bitcoin có thể truy cập được từ bất kỳ đâu miễn là có kết nối Internet.

Tìm hiểu về Bitcoin hoạt động như thế nào?

Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ blockchain, một hệ thống phân tán và công khai. Mỗi giao dịch Bitcoin được ghi vào một khối và các khối này được nối tiếp nhau để tạo thành chuỗi khối.

Mạng Bitcoin bao gồm hàng nghìn nút (node hoặc các máy tính) trên khắp thế giới. Chúng đảm nhận vai trò xác nhận và ghi lại các giao dịch.

Khi một giao dịch Bitcoin được tạo ra, nó sẽ được phát sóng ra mạng và chờ đợi xác nhận từ các nút trong hệ thống.

Các nút này sẽ kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch. Bao gồm xác minh nguồn gốc của Bitcoin và kiểm tra chữ ký điện tử. Sau khi giao dịch được xác nhận, nó sẽ được đóng gói vào một khối mới và được thêm vào chuỗi khối.

Quá trình xác nhận và ghi lại các giao dịch được thực hiện bởi những người đào Bitcoin (gọi là Bitcoin miner).

Họ sử dụng sức mạnh tính toán của máy tính để giải quyết các bài toán số học phức tạp. Được gọi là “bài toán khai thác” (mining). Người đào thành công sẽ được thưởng là số lượng Bitcoin và khối mới sẽ được thêm vào blockchain.

Cơ chế này đảm bảo tính toàn vẹn và độ tin cậy của hệ thống Bitcoin. Ngoài ra, việc sử dụng blockchain cũng giúp ngăn chặn gian lận và thay đổi lịch sử giao dịch. Vì một khi một khối đã được thêm vào blockchain, thì gần như không thể thay đổi.

Tổng quan, Bitcoin hoạt động như một hệ thống tiền điện tử phân tán. Nó không thuộc sở hữu của bất kỳ tổ chức nào và dựa trên công nghệ blockchain để đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực của các giao dịch.

Đặc điểm của Bitcoin là gì?

Bitcoin (BTC) là một đồng tiền điện tử, do đó nó không có hình dạng vật lý. Bitcoin tương tự như tất cả các loại tiền tệ pháp định khác như USD, Euro, VND… nhưng nó được mã hóa bằng công nghệ điện tử.

Tính phi tập trung 

Trong thị trường tài chính truyền thống (CeFi – Centralized Finance), các loại tiền pháp định như USD, VND, EUR… sẽ bị kiểm soát bởi các tổ chức như Ngân hàng Trung ương hoặc Chính phủ.

Tuy nhiên, Bitcoin không phải vậy. Thay vào đó, để các giao dịch được thực hiện và xác thực. Chúng cần sự đồng thuận của nhiều nút (node) tham gia vào mạng lưới Bitcoin.

Các nút (node) trong mạng lưới được kiểm soát bởi các cá nhân/tổ chức khác nhau (gọi là thợ đào). Họ nằm ở khắp nơi trên thế giới.

Khi hơn 50% số node trong mạng lưới chấp nhận cho một giao dịch, tạo ra sự đồng thuận chung thì giao dịch đó sẽ thành công.

Dựa vào hình trên, bạn có thể thấy mạng Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ thực thể nào một cách quá mức, tổ chức mạnh nhất là Foundry USA cũng chỉ nắm giữ 22% thị phần Hashrate. Vì vậy, Bitcoin được xem là blockchain phi tập trung không thể bị tấn công.

Tính bảo mật

Trên lý thuyết, bạn có thể tấn công mạng lưới của Bitcoin để đảo ngược giao dịch hoặc thực hiện các hành vi xấu nhằm trục lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có ai có thể thực hiện điều này do Bitcoin có một hệ thống bảo mật rất cao.

Tính bảo mật của Bitcoin được đảm bảo bởi hai yếu tố:

  • Tính phi tập trung: Để tấn công mạng Bitcoin, bạn cần kiểm soát ít nhất 51% của tổng lực tính toán (Hashrate) của mạng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, điều này là không thể vì chi phí để bạn kiểm soát sức mạnh tính toán đó sẽ rất lớn. Theo ước tính, chi phí để tấn công Bitcoin trong 1 giờ là hơn 700,000 USD mà chưa tính đến những rủi ro khác.
  • Thuật toán SHA-256: Đây là thuật toán băm bảo mật được sử dụng để tạo ra các hàm băm không thể đảo ngược. Theo tính toán của các chuyên gia từ Đại học Sussex, để một máy tính lượng tử có thể phá vỡ Bitcoin trong 1 tiếng, cần tới 317 triệu qubit, trong khi máy tính lượng tử mạnh nhất hiện nay chỉ có 127 qubit. Điều này cũng giải thích tại sao một khi đã thực hiện giao dịch, bạn không thể hoàn tác hoặc lấy lại tiền, vì thông tin lúc này đã được ghi vào mạng lưới và không ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa được thông tin đó.

Tính minh bạch

Một trong những điểm mạnh nhất của Bitcoin so với các loại tiền tệ khác là tính minh bạch.

Trong trường hợp của đồng USD hoặc các loại tiền tệ khác, chúng ta không thể biết chính xác con số đã được phát hành là bao nhiêu. Tất cả số liệu chỉ được công bố thông qua chính phủ và có sự sai lệch do không thể kiểm soát tính toàn vẹn của tiền giấy sau một thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, đối với Bitcoin, mọi thông tin đều được ghi lại trên sổ cái của blockchain. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể trở thành thợ đào và bất kỳ ai cũng có thể đọc dữ liệu của mạng lưới.

Do đó, khi sử dụng Bitcoin blockchain, tất cả thông tin sẽ được minh bạch.

Phí giao dịch thấp

Nếu so sánh với việc chuyển tiền qua ví điện tử hoặc ngân hàng với mức phí là 0 VND, rõ ràng Bitcoin đang có mức phí khá cao. Tuy nhiên, đây vẫn là con số rất thấp so với chi phí chuyển tiền quốc tế thông qua các tổ chức như ngân hàng.

Mỗi tổ chức sẽ có cách tính phí khác nhau. Nếu bạn gửi khoảng 10,000 USD ra nước ngoài, mức phí thường không thể thấp hơn 100 USD, chưa kể đến thời gian và công sức phải bỏ ra để hoàn thành các thủ tục và giấy tờ cần thiết. 

Trong khi đó, đối với Bitcoin, mức phí chỉ là 1 USD mỗi giao dịch với thời gian chờ là một tiếng đồng hồ. Đối với số tiền nhỏ như 10,000 USD, mức phí này có thể không đáng kể. Tuy nhiên, thông thường, ngân hàng sẽ tính phí dựa trên một phần trăm của số tiền bạn gửi đi thay vì tính theo số giao dịch như blockchain. Vì vậy, Bitcoin có thể giảm đáng kể chi phí giao dịch cho người dùng.

Tính hữu hạn và độ khó để khai thác

Đây là hai đặc tính giúp Bitcoin được xem như là Vàng kỹ thuật số. Trong khi Vàng là một tài nguyên hữu hạn trên Trái Đất, Bitcoin cũng chỉ giới hạn ở mức 21 triệu đồng Bitcoin.

Không chỉ là hữu hạn, độ hiếm để khai thác cả hai tài sản này cũng ngày càng khó hơn. Trước đây, khi Vàng chưa được nhiều người khai thác, số lượng sẽ nhiều hơn và mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, khi nhiều người nhận ra tiềm năng và bắt đầu khai thác, số lượng Vàng đã giảm đi đáng kể cùng với mức độ cạnh tranh tăng lên.

Tương tự, để đào được Bitcoin, các thợ đào phải liên tục nâng cấp máy đào vì độ khó của mạng lưới Bitcoin (Hashrate) đã liên tục tăng kể từ khi Bitcoin được ra mắt. Điều này cũng chứng tỏ mạng lưới của Bitcoin ngày càng thu hút nhiều người tham gia để khai thác.

Nhược điểm của Bitcoin

Mặc dù Bitcoin có vốn hoá lớn nhất trên thị trường crypto, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế:

  • Kích thước khối thấp chỉ là 1MB.
  • Mạng lưới chậm: Chỉ có thể thực hiện khoảng 7 giao dịch mỗi giây.
  • Phí giao dịch không quá cao nhưng cũng không đủ thấp để cạnh tranh với các blockchain khác.
  • Thiếu tính ứng dụng cao do không có Smart Contract như Ethereum.

Kể từ khi Bitcoin ra đời, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý các hạn chế trên. Tuy nhiên, các bản Hard Fork lại không mang lại nhiều giá trị cho Bitcoin. Do đó, đã có một số giải pháp có tác động trực tiếp như SegWit, SegWit2x, và Lightning Network.

Mua Bitcoin ở đâu?

Mua Bitcoin (BTC) trên sàn giao dịch

Bạn có thể mua Bitcoin trên các sàn giao dịch có hỗ trợ BTC. Chúng ta đều biết có 2 loại sàn giao dịch là DEX (sàn phi tập trung) và CEX (sàn tập trung), ngoài ra còn có OTC…

Sàn tập trung (CEX): Binance, Huobi, Coinbase, OKX, Bybit…

Sàn phi tập trung (DEX): Uniswap, Pancakeswap, Curve…

Mua Bitcoin (BTC) thông qua Bitcoin ATM

Bitcoin ATM là một máy Internet cho phép người sử dụng trao đổi Bitcoin và tiền mặt. Nhà cung cấp dịch vụ Bitcoin ATM có thể yêu cầu người dùng xuất trình thông tin liên quan để có thể thực hiện giao dịch trên máy.

Bitcoin ATM không giống như những máy ATM truyền thống, vì nó không kết nối với thẻ ngân hàng và người dùng có thể trao đổi trực tiếp giữa Bitcoin và tiền mặt. Một số máy Bitcoin ATM hai chiều cho phép rút Bitcoin hoặc tiền mặt.

Lưu trữ Bitcoin (BTC) như thế nào?

Lưu trữ Bitcoin trên sàn

Đa số các sàn CEX đều hỗ trợ giao dịch mua bán Bitcoin, vì vậy, bạn cũng có thể lưu trữ Bitcoin trên sàn. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư có tài sản lớn, trữ tài sản trên sàn là điều không nên.

Trường hợp FTX sụp đổ là minh chứng lớn nhất cho thấy việc trữ trên sàn sẽ để lại rất nhiều rủi ro. Vì vậy các bạn nên lưu trữ bằng các ví Non-custodial (Ví phi tập trung) để được toàn quyền kiểm soát với tài sản của bạn.

Nếu để tài sản trên sàn để tiện giao dịch, các bạn nên chọn các sàn lớn và uy tín như Binance, Bybit, Coinbase, OKX…

Ví lưu trữ Bitcoin

Để lưu trữ Bitcoin, người dùng cần chuẩn bị ví Bitcoin. Bài viết sẽ đề cập đến ví Non-custodial (Ví phi tập trung), đây là loại ví an toàn nhất để nhà đầu tư toàn quyền kiểm soát đối với tài sản của họ.

Mỗi ví Bitcoin sẽ bao gồm:

Một địa chỉ công khai (giống như số tài khoản và tên chủ sở hữu) gọi là Bitcoin Address.

Một khóa riêng tư (giống như mật khẩu của tài khoản Internet Banking) là Private Key hoặc Passphrase.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của ví phi tập trung so với ví được quản lý bởi sàn hay một tổ chức tài chính là ví phi tập trung sẽ không thể khôi phục lại Private key hoặc Passphrase. Do đó người dùng bắt buộc phải lưu trữ khóa riêng tư cẩn thận và không tiết lộ cho bất kỳ ai cho dù đó là bên hỗ trợ bạn tạo ví như Metamask, Trust, Coin98 Super App, SafePal…

Để nhận Bitcoin từ người khác, bạn chỉ cần gửi địa chỉ công khai cho họ (tương tự số tài khoản ngân hàng). Còn để gửi Bitcoin cho người khác, bạn cần truy cập vào ví của mình.

Cách kiếm lợi nhuận từ Bitcoin

Sau đây là một số cách để kiếm được lợi nhuận từ Bitcoin:

Đào Bitcoin (Bitcoin Mining)

Đào Bitcoin (Bitcoin Mining) là hoạt động trở thành một node của mạng lưới Bitcoin, điều này tương ứng với việc bạn là một thợ đào. Thợ đào sử dụng các máy đào coin để giải mã các bài toán và nhận phần thưởng đào.

Phần thưởng này đến từ 2 nguồn:

  • Phí giao dịch của người dùng trả cho mạng lưới: có người dùng giao dịch thì sẽ có thưởng
  • Phần thưởng khối (Block reward) từ mạng lưới Bitcoin: giảm dần và hết cho tới năm 2140

Theo tầm nhìn của Nakamoto Satoshi, phần thưởng khối giống như Incentive để thu hút người dùng ban đầu và thợ đào để vận hành bộ máy cho Bitcoin. Khi Bitcoin đã đủ lớn mạnh, có cộng đồng, giá trị BTC tăng cao thì mạng lưới Bitcoin sẽ tự vận hành mà không cần block reward.

Mua và nắm giữ Bitcoin

Mua và nắm giữ, hay còn gọi là HOLD, là hình thức đầu tư Bitcoin dễ nhất vì chỉ cần mua trên sàn và nắm giữ trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nó cũng là hình thức khó nhất vì phải có niềm tin lớn với Bitcoin và có độ kiên nhẫn cao.

Về bản chất thì hold Bitcoin là việc người dùng mua Bitcoin ở giá thấp, nắm giữ trong một khoảng thời gian dài chờ đến khi giá tăng cao và bán ra để có lợi nhuận. Quyết định mua bán sẽ dựa vào việc phân tích cơ bản là chính, đánh giá, dự đoán về tương lai dự án chứ không dùng phân tích kỹ thuật (hoặc rất ít).

Rủi ro khi nắm giữ Bitcoin mà nhà đầu tư cần biết

Bên cạnh những lợi ích mà nhà đầu tư có thể nhận được khi nắm giữ, mua, bán hay giao dịch Bitcoin, họ còn có thể gặp các rủi ro khác như sau:

Rủi ro về thị trường

Không riêng Bitcoin, thị trường crypto có độ rủi ro cao do biến động giá cao. Vì vậy, các bạn chỉ nên đầu tư với số vốn nhỏ để giảm thiểu rủi ro. Bitcoin đã có lịch sử giá vô cùng “điên rồ” nếu so với các thị trường khác. Nếu so với thị trường Chứng khoán hay Hàng hoá, Bitcoin là tài sản vô cùng rủi ro vì biến động cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu so sánh với các đồng tiền điện tử khác, Bitcoin vẫn là tài sản “an toàn hơn”.

Rủi ro về bảo mật

Bảo mật là yếu tố mà đại đa số người dùng khi nắm giữ Bitcoin quan tâm. Nếu tài khoản không được bảo mật đúng cách, nhà đầu tư có thể sẽ bị mất toàn bộ tài sản mà họ nắm giữ. Để ngăn chặn các rủi ro liên quan đến thông tin cá nhân, người dùng nên lưu trữ Bitcoin dài hạn trong ví lạnh hoặc các sàn uy tín.

Rủi ro về mặt pháp lý

Mức độ công nhận Bitcoin của các nước khác nhau. Vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định của quốc gia mình đang sinh sống để có các hoạt động đầu tư Bitcoin phù hợp.

Các tổ chức mua & hold Bitcoin

Ngoài các cá nhân nắm giữ BTC, các công ty cũng thông báo rằng họ đang nắm giữ Bitcoin. Tuy nhiên, việc theo dõi thông tin này qua Blockchain Explorer trở nên khó khăn vì họ có thể sử dụng dịch vụ lưu ký bên thứ 3 như Coinbase, BitGo… hoặc chia ra nhiều ví nhỏ để nắm giữ.

Số lượng ví có số dư Bitcoin được ghi nhận là 43 triệu ví. Trong đó:

  • Top 10 holder chiếm 5.4%
  • Top 20 holder chiếm 7.4%
  • Top 50 holder chiếm 10.7%
  • Top 100 holder chiếm 13.5%

Với tỉ lệ sở hữu được phân bổ đồng đều, điều này cho thấy Bitcoin là tài sản không bị kiểm soát bởi bất kỳ thực thể nào.

Top Bitcoin holder thường sẽ có sự thay đổi, các bạn có thể theo dõi tại đây. Theo dữ liệu trên, chúng ta không thể xác định Bitcoin thuộc về ai vì đa số ví lớn nhất đều là ví sàn, mà ví sàn lại chứa tài sản của nhà đầu tư.

Tổng kết

Bitcoin đang là một trong những tài sản thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mức độ biến động mạnh của BTC biến nó trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người, nhưng đồng thời cũng mang lại rất nhiều rủi ro cho những nhà đầu tư không có kinh nghiệm. Hiểu biết đúng về Bitcoin, cũng như thị trường crypto, là cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm: Mỗi bài viết trên DauTuCC.com có mục đích chia sẻ thông tin hữu ích và không mang tính chất tư vấn đầu tư. Chúc mọi người có được nhiều thành công và lợi nhuận từ thị trường Crypto này.

Chia sẻ bài viết lên:
Facebook
Twitter
Telegram
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] thực hiện giao dịch mua/bán Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác, bạn cần có có một tài khoản sàn giao […]

Bài viết liên quan
1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x